Search

Điều trị rạn da là một thách thức, cần phối hợp nhiều phương pháp

BS.CK2 Lê Vi Anh, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận định trong điều trị rạn da hiện nay chưa có một phương pháp nào có thể điều trị một cách triệt để, do đó cần kết hợp các phương pháp, việc phòng ngừa rất quan trọng.

Tổng quan về rạn da – cơ chế bệnh sinh và các yếu tố ảnh hưởng

Đông đảo người đến tham dự trong phiên chuyên đề “Các phương thức chăm sóc và trẻ hóa da” tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024, do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức.
Đông đảo người đến tham dự trong phiên chuyên đề “Các phương thức chăm sóc và trẻ hóa da” tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024, do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức.

Mở đầu bài báo cáo “Rạn da: Nguyên nhân hình thành và cách tối ưu hóa hiệu quả điều trị”, BS.CK2 Lê Vi Anh, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Rạn da là một vấn đề rất dễ chẩn đoán, đối với bất kỳ một bác sĩ nào, không nằm trong chuyên khoa da liễu cũng có thể chẩn đoán được một cách dễ dàng về tình trạng rạn da khi tiếp cận trực tiếp với bệnh nhân.

Tình trạng rạn da là những vết có dạng sẹo với biểu hiện là những đường vân màu hồng/ tím, có biểu hiện giảm hoặc tăng sắc tố ở da. Ở những vùng này sẽ có tình trạng lõm teo da, xuất phát từ những tổn thương ở lớp bì qua sự căng giãn da”.

Vị trí thường gặp của tình trạng rạn da là bụng, mông, đùi, ngực, lưng, nách, bẹn… gắn liền với nhiều giai đoạn sinh lý như dậy thì, thai kỳ, phát triển nhanh, tăng cân hay giảm cân, béo phì, những rối loạn dẫn đến tăng cortisol máu.

Thông thường, rạn da sẽ xuất hiện nhiều ở phụ nữ hơn là nam giới và ở những người có làn da tối màu sẽ có tình trạng rạn da nhiều hơn những người có da sáng màu.

Có rất nhiều phân loại về rạn da, tuy nhiên thường gặp trên lâm sàng như rạn da teo, rạn da ở thai kỳ, hoặc rạn da đỏ, rạn da màu trắng…

Về cơ chế bệnh sinh, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được rõ ràng. Nhiều yếu tố liên quan, thường gặp nhất là về tính cơ học như tăng cân nhanh; có thai; phát triển chiều cao đột ngột (tuổi dậy thì); phì đại cơ… Ở một số bệnh nhân sẽ có sự thay đổi trong mô liên kết do bất thường gen dẫn đến rạn da (hội chứng Marfan, đột biến gen fibrillin-1, fibrillin-2). Trong một vài trường hợp, lớp thượng bì teo mỏng có thể do sự giảm hoạt động nguyên phân của lớp tế bào đáy gây ra tình trạng rạn da.

“Cơ chế bệnh sinh của rạn da được mô tả giống như sự “đứt gãy” của các sợi trong mô liên kết ở trung bì, dẫn đến teo lõm da. Qua đó, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận được vai trò của hormore (corticosteroids), stress vật lý, yếu tố di truyền”, BS Vi Anh nhận định.

Đầu tiên là về yếu tố hormon (thai kỳ, cushing), có thể thấy tăng biểu hiện của receptor androgen và glucocorticoid, giảm biểu hiện của receptor estrogen trong lớp bì ở giai đoạn sớm của rạn da. Ở phụ nữ có thai trong giai đoạn sau, thường vào tuần 36 có thể thấy rạn da sẽ bắt đầu xuất hiện.

Ngoại trừ việc bào thai tăng trưởng quá nhanh so với mức co giãn của da, nhiều nghiên cứu nhận thấy còn có sự giảm hormon về relaxin huyết thanh. Chính vì vậy có thể thấy sẽ làm giảm sự co giãn của mô liên kết, các chất collagen và elastin, dẫn đến đứt gãy các sợi elastin hay collagen, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của rạn da nhiều vào tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ.

Ngoài ra, ở hội chứng cushing, nhiều bệnh nhân sử dụng corticoid không đúng và có sự tăng cortisol cũng có thể làm tăng dị hóa protein và gây teo da, ức chế tổng hợp protein, ức chế tạo collagen, dẫn đến các vấn đề rạn da.

Về mô học, ở làn da bị rạn, phần thượng bì sẽ bị teo mỏng (có thể do ức chế hoạt động nguyên phân của tế bào đáy). Đối với phần trung bình, mất hình ảnh nhú bì, các bó collagen và các sợi elastin phân mảnh, xếp song song với mặt phẳng tiếp giáp bì – thượng bì. Suy giảm lượng sợi elastin ở phần nông của lớp bì.

Các yếu tố nguy cơ của tình trạng rạn da bao gồm: có thai; ở lứa tuổi dậy thì; tiền sử gia đình rạn da; béo phì, tăng cân nhân, tăng khối lượng cơ nhanh chóng ở người tập tạ; lạm dụng corticosteroids, hóa trị, thuốc tránh thai; bệnh cushing, hội chứng cushing, hội chứng Marfan; phẫu thuật (nâng ngực); ở những bệnh nhân có HIV dương tính đang điều trị với thuốc indinavir (ức chế protease).

Phối hợp các phương pháp để tối ưu hóa hiệu quả trong điều trị rạn da

“Hiện nay, chưa có một phương pháp nào có thể điều trị một cách triệt để tình trạng rạn da. Tuy nhiên, về mục tiêu điều trị cần làm cho các vết rạn của bệnh nhân được mờ nhất. Đầu tiên là giảm đỏ, tái tạo lại màu sắc để không quá trắng hoặc quá đen và giảm sự co kéo da vùng rạn với vùng da xung quanh.

Nếu sau điều trị, chỉ còn nhìn thấy những đường mờ, điều này cho thấy sự thành công trong quá trình điều trị. Tuỳ theo giai đoạn cũng như tuỳ theo từng điều kiện của mỗi bệnh nhân để cá thể hóa quá trình điều trị khác nhau”, BS Vi Anh thông tin.

BS.CK2 Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong bài báo cáo “Rạn da: Nguyên nhân hình thành và cách tối ưu hóa hiệu quả điều trị”
BS.CK2 Lê Vi Anh – Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong bài báo cáo “Rạn da: Nguyên nhân hình thành và cách tối ưu hóa hiệu quả điều trị”

Trong điều trị rạn da căng, sẽ dựa vào cơ chế hoạt động và các vấn đề bệnh nhân đang gặp phải để chọ lựa các phương pháp điều trị.

Đầu tiên, cần làm cho vùng rạn da tăng sinh thêm các collagen làm tăng thêm độ săn chắc cho vết rạn.

Các phương pháp điều trị tại chỗ rạn da hiện nay sẽ được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Phương pháp nhẹ nhất là thoa thuốc lên vùng bị rạn bao gồm acid retinoic, các thuốc có chiết xuất từ rau má hoặc acid hyaluronic (cần chú ý các chế phẩm phải có trọng lượng phân tử thấp để có thể thoa và thấm qua da để tiến đến vùng da rạn). Phương pháp tiếp theo là có thể điều trị tái tạo vùng da rạn bằng hóa chất (TCA, glycolic acid) để làm tăng sinh nguyên bào sợi và kích thích tạo collagen giúp tăng độ săn chắc cho làn da rạn.

Kế đến là phương pháp điều trị bằng tia laser, có hai loại là xâm lấn và không xâm lấn: fractional CO2, fractional erbium. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp lăn kim hoặc mài mòn các phần da rạn cũng như những vùng da xung quanh để giảm đi sự khác biệt.

Ngoài ra, trong điều trị rạn da còn có một số phương pháp khác như để tăng sinh collagen có thể điều trị bằng phương pháp RF hoặc sử dụng tia hồng ngoạiđiện di dưỡng chất vào trong các vùng da rạn.

Đối với những vùng rạn da có màu đỏ hoặc hồng, trong điều trị cần tác động vào bên trong các mạch máu nuôi tại vùng da đó để làm giảm sự khác biệt màu so với những vùng da thường.

Trong một đánh giá có hệ thống, RF là được nhận định là một phương thức phổ biến nhất trong điều trị rạn da, kế đến là Fractional CO2. Để có thể điều trị đạt hiệu quả tốt nhất nên có một phương thức phối hợp bao gồm RF, PRP và sóng siêu âm (71,9% kết quả xuất sắc).

Thứ nhất, RF sẽ làm tăng sinh collagen, thứ hai là PRP sẽ giúp tăng thêm các dưỡng chất cũng như tăng thêm các yếu tố tăng trưởng cho làn da. Cuối cùng là sóng siêu âm khi kết hợp vào sẽ làm săn chắc các vùng cơ, vùng giao giữa vùng cơ và phía trên lớp da. Kế đến là IPL đơn lẻ (40% kết quả rất tốt).

Tuy nhiên, đối với rạn da đỏ có ít nghiên cứu hơn, đáp ứng tốt nhất sau điều trị với laser ND:YAG (40% kết quả xuất sắc và 40% kết quả rất tốt) hoặc có thể điều trị với laser Er:Glass l (10% kết quả xuất sắc và 20% kết quả rất tốt).

Tóm lại, có nhiều phương pháp điều trị rạn da và hiện chưa có phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất định và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các phương thức điều trị bằng phát năng có hiệu quả khá tốt và an toàn, có thể áp dụng được trong nhiều các vết rạn da khác nhau.

Nếu trong điều trị có cả RF và FrCO2, nên kết hợp cùng lúc cả hai phương pháp sẽ cho thấy kết quả vượt trội hơn so với điều trị đơn lẻ trong việc gia tăng độ dày da và mật độ lớp bì. Hồng ban + PIH ở nhóm kết hợp cao hơn nhóm điều trị RF đơn thuần nhưng tương đương FrCO2 đơn thuần. Kết hợp RF cùng sóng siêu âm áp lực phân tán retinoic acid 0.05% vào lớp bì cải thiện 70 – 100% hiệu quả với chỉ một ca PIH. Kết hợp RF + Retinoid 0.1% gia tăng hiệu quả điều trị.

Chủ tọa trong phiên báo cáo chuyên đề“Các phương thức chăm sóc và trẻ hóa da”: TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM; BS.CK2 Trần Đình Khả - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định; BS.CK2 Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Chủ tọa trong phiên báo cáo chuyên đề“Các phương thức chăm sóc và trẻ hóa da”: TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú – Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM; BS.CK2 Trần Đình Khả – Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định; BS.CK2 Lê Vi Anh – Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Một số phương thức điều trị phối hợp khác bao gồm: RF kết hợp tia hồng ngoại dành cho tình trạng rạn da đỏ và trắng; phương siêu mài mòn da kết hợp với tiêu vi điểm PRP (điều trị 6 lần cách mỗi 2 tuần, làm tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị); TCA 15 – 30% kết hợp lăn kim điều trị trên tình trạng rạn da đỏ; phương pháp lăn kim kết hợp PRP điều trị rạn da căng…

Nếu một đơn vị có trong tay nhiều phương pháp, trong điều trị rạn da nên xem xét trên mỗi bệnh nhân và kết hợp nhiều phương pháp sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt hơn so với điều trị một phương pháp đơn lẻ trên vấn đề rạn da.

Để phòng ngừa rạn da cần lưu ý các vấn đề sau:

– Trong giai đoạn thai kỳ: mẹ bầu có thể sử dụng các dạng thuốc bôi an toàn cho thai kỳ như bio-oil, dầu oliu, cocoa butter, hyaluronic acid, chiết xuất của cây rau má Centella asiatica…

– Hạn chế tăng cân nhanh, béo phì;

– Không nên lạm dụng corticosteroid;

– Tập thể lực vừa phải.

“Rạn da là một vấn đề rất thường gặp và trong điều trị vẫn còn gặp nhiều thách thức. Hiện nay, vẫn chưa có một phương pháp nào có thể điều trị triệt để, chính vì vậy cần kết hợp các phương pháp điều trị và thuốc bôi. Việc phòng ngừa để giảm các yếu tố nguy cơ gây rạn da là rất quan trọng”, BS.CK2 Lê Vi Anh đi đến kết luận sau bài báo cáo.

Ban biên tập ghi chú theo chia sẻ của Bác sĩ:

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách để được nhận tư vấn kịp thời





    Explore
    Drag