Tăng sắc tố da là vấn đề thường gặp, đặc biệt là các phụ nữ châu Á. Có nhiều phương pháp điều trị các tình trạng tăng sắc tố da như sử dụng thuốc bôi, thuốc uống. Gần đây laser và ánh sáng đang được sử dụng ngày càng nhiều và là một trong các phương pháp điều trị phối hợp hiệu quả trong xử lý các tình trạng tăng sắc tố trên da.
I. Laser hoạt động thế nào?
Laser và ánh sáng được bắt giữ bởi các đích đến là các sắc tố trong da sẽ phá huỷ các thành phần sắc tố không mong muốn trong da. Sau đó các thành phần sắc tố này sẽ được cơ thể dọn dẹp. Vì vậy, đối với một số loại tăng sắc tố, cần vài lần điều trị để mới đạt được sự phá huỷ đáng kể các thành phần sắc tố và thấy được sự cải thiện trên làn da
II. Các loại laser và ánh sáng trong điều trị tăng sắc tố da
Nhiều laser được sử dụng để điều trị sắc tố da tuy nhiên 2 loại laser được sử dụng hiệu quả nhất trong điều trị các tổn thương sắc tố là laser Q-switched và laser pico giây
1. Laser Q-switched
Laser QS mang năng lượng cao trong thời gian phát xung ngắn (nano giây). Melanin hấp thu ánh sáng, gây phá vỡ tế bào sắc tố và túi đựng tế bào sắc tố.
Các loại laser QS thường dùng cho tăng sắc tố da là laser QS ruby 694 nm, QS alexandrite 755 nm, QS Nd:YAG 1064 nm và QS Nd:YAG (KTP) 532 nm
2. Laser pico giây
Laser pico giây (10-12s) có thời gian phát tia rất ngắn tạo được dùng để điều trị những hạt phân tử nhỏ hơn, cần ít năng lượng hơn và tạo tổn thương nhiệt ít hơn do đó rất có ưu thế trong xoá xăm. Laser pico giây cũng có nhiều bước sóng gồm 532 nm, 755 nm và 1064 nm. Ngoài ra, nhiều thiết bị pico giây vi phân cũng được dùng để điều trị những rối loạn sắc tố nông, lành tính.
Hình: máy laser pico giây điều trị các tình trạng tăng sắc tố da
Bên cạnh laser Q-switched và laser pico giây, các laser xâm lấn như laser carbon dioxide (10,600 nm), erbium:YAG (2940 nm) và yttrium scandium gallium garnet (YSGG) (2790 nm) hay các laser vi phân xâm lấn cũng được dùng cho điều trị sắc tố da nằm nông trên bề mặt da.
IPL cũng được sử dụng trong điều trị tăng sắc tố da, IPL phát ra ánh sáng đa sắc từ 515 đến 1200 nm và có bộ phận lọc ánh sáng và phải được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm để tránh các tác dụng phụ do tổn thương da.
III. Loại tăng sắc tố da nào có thể điều trị bằng laser?
1. Tổn thương sắc tố ở lớp nông của da
- Đốm Nâu
- Đồi Mồi
- Tàn Nhang
- Dát Café Sữa
- Nevus Becker
- …
Tàn nhang là những dát nhỏ, tăng sắc tố, giới hạn rõ. Đây là tổn thương ở lớp nông của da vì thế những laser với bước sóng ngắn phù hợp cho điều trị thương tổn này như laser QS ruby 694 nm, QS alexandrite 755 nm và QS Nd:YAG (KTP) 532 nm. Cải thiện tổn thương thường đạt được sau 2-3 đợt điều trị và hiếm khi tái phát.
Đồi mồi biểu hiện là những dát màu nâu nhạt hay sậm, đen, giới hạn rõ, hình tròn, oval hay hình dạng không đều. Tổn thương sáng màu hơn thường đồng nhất, còn tổn thương sậm màu hơn có màu lốm đốm. Đồi mồi hầu như biểu hiện với số lượng nhiều, kích thước đa dạng 3mm-2cm đường kính, có thể hợp lại. Đồi mồi thường gặp ở vùng phơi bày ánh sáng mặt trời, chủ yếu ở mặt lưng bàn tay và cánh tay, mặt, thân trên và cẳng chân.
Dát café sữa là dát màu nâu đen, giới hạn rõ có thể ở vùng mặt hay các vùng khác trên cơ thể. Đáp ứng của dát café sữa với laser và ánh sáng khó dự đoán được, thường không đạt được sạch hoàn toàn thương tổn và thường tái phát trong nhiều tháng-nhiều năm
Nevus Becker là các mảng tăng lông và tăng sắc tố, ở một bên thân hay vai. Điều trị nevus Becker bao gồm cả triệt lông và điều trị tăng sắc tố bằng laser. Laser tương đối có hiệu quả với nevus Becker gồm laser ruby xung dài, alexandrite xung dài, Er:YAG 2940 nm và laser vi phân
Hình: bệnh nhân có tình trạng tăng sắc tố da được chuẩn bị điều trị bằng laser
2. Tổn thương sắc tố lớp sâu của da
- Nevus Sắc Tố
- Nevus Ota/Ito
- Nám Má
- Nevus Xanh
- Tăng Sắc Tố Sau Viêm
- …
Hiện nay, laser Q-Switched được dùng phổ biến trong thương tổn sắc tố nằm sâu như nevus Ota/Ito và nám má, qua tác động chọn lọc lên sắc tố lớp bì. Trong đó, laser QS ruby, alexandrite và Nd:YAG 1064 nm thường được dùng nhất. Những laser này có bước sóng nằm trong phổ hấp thu của melanin và có bước sóng dài giúp thâm nhập sâu vào lớp bì.
Nevus Ota là các dát màu nâu-xanh dương phân bố ở một bên mặt theo nhánh thần kinh V1 và V2. Laser QS (QS ruby, QS alexandrite, QS Nd:YAG 1064 nm) được sử dụng nhiều nhất cho điều trị nevus Ota. Có thể đáp ứng hoàn toàn với điều trị, thường cần ≥ 3 lần điều trị. Laser pico giây cũng cho thấy hiệu quả giúp loại bỏ nevus Ota.
Tăng sắc tố sau viêm là tăng sắc tố mắc phải sau bất kỳ tổn thương da hay viêm như sau mụn trứng cá hay các tổn thương da khác, thường gặp ở da sậm màu (loại da IV-VI). Laser Nd:YAG 1064 nm có thể hữu ích trong điều trị tăng sắc tố sau viêm.
Nám má là rối loạn tăng sắc tố mắc phải thường gặp, với các dát tăng sắc tố màu nâu nhạt ở mặt. Bên cạnh thuốc uống, thuốc bôi thì laser cũng là một lựa chọn để kết hợp điều trị.
Hình: bác sĩ thực hiện điều trị tăng sắc tố da bằng laser pico giây
Nhiều loại thuốc có thể gây tăng sắc tố da như minocyclin, amiodarone, hydroquinon thoa… Trong đó, một số trường hợp ngưng thuốc có thể cải thiện, nhưng những trường hợp khác rối loạn sắc tố có thể kéo dài, dai dẳng. Lắng đọng sắc tố do thuốc có thể gồm melanin, sắt hay những chất khác. Laser QS ruby 694 nm, QS alexandrite 755 nm, QS Nd:YAG 1 064 nm và QS Nd:YAG (KTP) 532 nm cho thấy điều trị thành công rối loạn sắc tố do thuốc.
IV. Ai không nên thực hiện laser, ánh sáng để điều trị các tổn thương sắc tố?
Người có tiền sử hay đang dùng thuốc gây nhạy cảm ánh sáng
Người có tiền sử melanoma hay có tổn thương nghi ngờ melanoma
Người có tiền sử lành thương kém, rối loạn huyết học, đang xạ trị, bỏng nắng gần đây
Một số các thận trọng khác như dùng isotretinoin trong 6-12 tháng trước điều trị cũng sẽ được cân nhắc bởi bác sĩ điều trị trước khi tiến hành dùng
V. Biến chứng có thể gặp khi dùng laser điều trị tăng sắc tố da là gì?
Những biến chứng có thể gặp là rối loạn sắc tố (tăng sắc tố sau viêm, giảm sắc tố) đặc biệt với da sậm màu. Các biến chứng khác bao gồm xuất huyết, bầm, tạo sẹo, mề đay sau laser. Để hạn chế tối đa các tác dụng phụ, laser cần thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo.
VI. Kết luận
Laser và ánh sáng hiệu quả trong điều trị nhiều rối loạn tăng sắc tố da. Tuy nhiên, tổn thương tăng sắc tố da đa dạng, do đó cần được khám và chẩn đoán chính xác thương tổn trước khi điều trị. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị laser và ánh sáng như loại da, thiết bị sử dụng, kỹ năng người thực hiện. Những rối loạn tăng sắc tố đáp ứng tốt với điều trị laser và ánh sáng gồm đốm nâu, tàn nhang, nevus Ota/Ito. Để hạn chế các biến chứng và tác dụng phụ, nên điều trị tại các cơ sở uy tín với các bác sĩ da liễu có kinh nghiệm.
Câu Hỏi Thường Gặp (FAQs)
- Ai nên tránh sử dụng laser và ánh sáng để điều trị tăng sắc tố da?
- Người dùng thuốc gây nhạy cảm ánh sáng, người có tiền sử melanoma, người có tiền sử lành thương kém, và người dùng isotretinoin trong 6-12 tháng trước đều nên cân nhắc trước khi điều trị.
- Các biến chứng phổ biến khi sử dụng laser và ánh sáng để điều trị tăng sắc tố da là gì?
- Các biến chứng có thể gặp là rối loạn sắc tố, xuất huyết, tạo sẹo, và mề đay sau laser.
- Loại tăng sắc tố da nào phản ứng tốt với điều trị laser và ánh sáng nhất?
- Đốm nâu, tàn nhang, nevus Ota/Ito là những loại tăng sắc tố phản ứng tốt với điều trị laser và ánh sáng.
- Bác sĩ nào có thể thực hiện điều trị laser và ánh sáng cho tăng sắc tố da?
- Các bác sĩ da liễu được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
- Thời gian bảo quản và chăm sóc da sau điều trị laser và ánh sáng là gì?
- Thời gian bảo quản và chăm sóc da sau điều trị cụ thể tùy thuộc vào phương pháp điều trị và tình trạng da cụ thể của mỗi người.
- Có những loại laser nào được sử dụng phổ biến trong điều trị tăng sắc tố da?
- Laser QS ruby, laser QS alexandrite, và laser Nd:YAG là những loại laser phổ biến được sử dụng cho điều trị tăng sắc tố da.
- Có cần phải làm gì trước khi điều trị laser và ánh sáng cho tăng sắc tố da?
- Trước khi điều trị, cần phải khám và chẩn đoán chính xác tổn thương trên da.
- Liệu điều trị laser và ánh sáng có đau không?
- Điều trị có thể gây cảm giác khó chịu nhưng thường không gây đau đớn nếu được thực hiện đúng cách.
- Có thể tái phát tổn thương sau khi điều trị không?
- Tùy thuộc vào loại tổn thương và phương pháp điều trị, có thể tổn thương sẽ tái phát sau một thời gian.
- Liệu laser và ánh sáng có thể loại bỏ hoàn toàn các tổn thương sắc tố không?
- Việc loại bỏ hoàn toàn tổn thương sắc tố phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại da, loại tổn thương, và phương pháp điều trị cụ thể.