Đốm nâu và tàn nhang là hai vấn đề về da phổ biến mà nhiều người phải đối mặt. Mặc dù có thể xuất hiện ở cùng vị trí trên da, nhưng đốm nâu và tàn nhang thực sự khác nhau về nguyên nhân gây ra và cách điều trị.
Tàn nhang
Đặc điểm của tàn nhang
Tàn nhang thường gặp ở người có da sáng màu, tóc vàng hay đỏ; thường xuất hiện trong 3 năm đầu tiên của đời sống.
Tăng sắc tố trong tàn nhang là do tế bào hắc tố tăng sản xuất hắc tố dưới tác động của ánh sáng mặt trời và tăng vận chuyển một lượng lớn melanosome trưởng thành từ tế bào hắc tố đến tế bào keratin. Ngoài ra, yếu tố di truyền như gen cũng có vai trò quan trọng trong hình thành màu tóc đỏ và tàn nhang. Tàn nhang còn được ghi nhận có thể di truyền trội theo nhiễm sắc thể thường và xuất hiện trong những thế hệ tiếp kế tiếp.
Tàn nhang là tình trạng lành tính và không có khuynh hướng chuyển dạng ác tính. Hơn nữa, tàn nhang không phải là tổn thương tiền ung của melanoma, nhưng là chỉ điểm cho tình trạng tổn thương do ánh sáng mặt trời, nên có thể là chỉ điểm cho những người có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tân sinh do tác động ánh sáng mặt trời.
Hình: Tàn nhang ở mặt của một phụ nữ thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời
Biểu hiện của tàn nhang
Tàn nhang chỉ biểu hiện ở vùng da phơi bày ánh sáng mặt trời như mặt, mặt duỗi cánh tay và thân trên, không có ở niêm mạc. Tàn nhang là dát màu nâu nhạt-sậm phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhưng hầu như không bao giờ trở nên đen sậm, giới hạn rõ, hình tròn, oval, bờ không đều nhưng tăng sắc tố đồng nhất, thường có đường kính 1-3 mm. Tàn nhang có thể tăng số lượng và phân bố lan rộng, có thể hợp lại. Tàn nhang tăng số lượng, kích thước và sậm màu hơn vào mùa hè, trái lại kích thước nhỏ hơn, nhạt màu hơn và giảm số lượng vào mùa đông hay mờ dần theo tuổi.
Hình: Tàn nhang ở mặt của bé gái da trắng
Tàn nhang cần phân biệt với đốm nâu đơn thuần, đốm nâu do ánh sáng mặt trời, dát café sữa nhỏ và nốt ruồi.
• Tàn nhang màu nhạt hơn so với đốm nâu đơn thuần, giới hạn ở vùng phơi bày ánh sáng mặt trời và nặng lên khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Trái lại, đốm nâu đơn thuần có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào và dai dẳng. Ngoài ra, khi các bác sĩ thực hiện sinh thiết để chẩn đoán sẽ thấy biểu hiện trên mô học của đốm nâu đơn thuần khác với tàn nhang.
• Dát café sữa thường chỉ có 1 tổn thương và lớn hơn tàn nhang.
Điều trị tàn nhang
Tàn nhang sậm màu hơn khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời do đó biện pháp phòng ngừa là tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời và sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo bảo vệ tránh nắng.
Thoa các thuốc thoa làm sáng như retinoid, arbutin… hay thậm chí hydroquinone có thể làm sáng tổn thương, nhưng hiệu quả trên lâm sàng khó đạt được.
Laser chọn lọc sắc tố có thể là lựa chọn hỗ trợ điều trị. Trong đó, laser QS alexandrite, laser QS ruby, laser alexandrite pico giây, laser potassium titanyl phosphate (KTP), laser Nd:YAD pico giây và IPL cho thấy hiệu quả trong điều trị tàn nhang với laser.
Đốm nâu
Đốm nâu là dát tăng sắc tố lành tính, do tăng hoạt động của tế bào hắc tố ở thượng bì; khác với tàn nhang thường thấy ở trẻ em da sáng màu và mờ dần khi ngưng tiếp xúc ánh sáng mặt trời, đốm nâu thường dai dẳng. Đốm nâu có 2 dạng chính là đốm nâu do ánh sáng mặt trời (đồi mồi) và đốm nâu đơn thuần.
Đồi mồi
Đồi mồi là thương tổn lành tính thường gặp, do tiếp xúc lâu dài với ánh sáng mặt trời, dẫn đến tăng sản thượng bì kèm tăng sinh tế bào hắc tố.
Tỉ lệ mắc tăng dần theo tuổi, thường gặp trên 60 tuổi; nhưng cũng có thể gặp ở những người trẻ, do tiếp xúc lâu dài với ánh sáng mặt trời, đặc biệt là trên những vùng bị bỏng nắng.
Đồi mồi có thể mờ dần sau khi ngưng tiếp xúc ánh sáng mặt trời, nhưng thường dai dẳng. Tình trạng này là yếu tố nguy cơ độc lập cho phát triển melanoma da.
Hình: Đồi mồi ở má một bệnh nhân lớn tuổi
Biểu hiện của đồi mồi
Đồi mồi biểu hiện là những dát màu nâu nhạt hay sậm, đen, giới hạn rõ, hình tròn, oval hay hình dạng không đều. Tổn thương sáng màu hơn thường đồng nhất, còn tổn thương sậm màu hơn có màu lốm đốm. Đồi mồi hầu như biểu hiện với số lượng nhiều, kích thước đa dạng 3mm-2cm đường kính, có thể hợp lại. Khác với đốm nâu đơn thuần, đồi môi thường gặp ở vùng phơi bày ánh sáng mặt trời, chủ yếu ở mặt lưng bàn tay và cánh tay, mặt, thân trên và cẳng chân.
Hình: Đồi mồi ở mặt lưng bàn tay
Đốm nâu đơn thuần
Tỉ lệ mắc ở trẻ em và người lớn chưa rõ, nhưng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Đốm nâu đơn thuần không có ưu thế chủng tộc hay giới tính. Tổn thương có thể xuất hiện lúc sinh, thường gặp ở trẻ sơ sinh da sậm màu hơn.
Biểu hiện đốm nâu đơn thuần
Đốm nâu đơn thuần là dát nâu nhạt-sậm, đồng nhất, xuất hiên ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể gồm niêm mạc và da lòng bàn tay-lòng bàn chân, không có ưu thế ở vùng phơi bày ánh sáng mặt trời. Tổn thương giới hạn rõ, tròn hay oval, bờ đều, thường có đường kình <5 mm, trừ ở một số vùng như sinh dục, lòng bàn tay, lòng bàn chân và niêm mạc có thể có tổn thương lớn hơn.
Hình: đốm nâu đơn thuần xuất hiện từ trẻ ở một phụ nữ
Đốm nâu đơn thuần biểu hiện 1 hoặc nhiều tổn thương. Tình trạng có nhiều đốm nâu có thể là một biểu hiện da đơn thuần không có bệnh lý hệ thống hay có thể là dấu hiệu của một rối loạn di truyền như hội chứng LEOPARD, LAMB trong đó nhiều biến dạng liên hệ với những hội chứng này làm ảnh hưởng tim (thường gặp nhất), cơ xương, thần kinh, sinh dục, tiêu hóa, tai và hô hấp. Ngoài ra, tăng số lượng hay sậm màu đốm nâu hơn còn gặp ở bệnh nhân có bệnh lý Addison hay hội chứng khác liên hệ với tăng nồng độ hormon adrenocorticotropic.
Dát sắc tố niêm mạc
Dát sắc tố ở niêm mạc là một dạng của đốm nâu đơn thuần biểu hiện niêm mạc, đặc biệt ở môi dưới, ngoài ra còn gặp ở lợi, niêm mạc má và khẩu cái. Thường gặp ở nữ 20-40 tuổi, da trắng. Biểu hiện một hay nhiều dát nâu-đen, bờ không đều, giới hạn kém, màu sắc không đồng nhất, kích thước lớn hơn và có thể giống melanoma giai đoạn sớm. Tổn thương sinh dục thỉnh thoảng trên 1 cm đường kính.
Tỉ lệ mắc của nhiều đốm nâu ở vùng sinh dục nữ cao hơn, thường là tình trạng lành tính; dạng không điển hình không thường gặp và tiến triển thành melanoma rất hiếm. Hầu hết tổn thương thấy ở môi nhỏ nhưng cũng có thể ở môi lớn, lỗ âm đạo, cổ tử cung, vùng quanh niệu đạo, âm hộ và quanh hậu môn.
Nhiều dát sắc tố ở miệng và quanh miệng là đặc trưng của rối loạn di truyền như Peutz-Jeghers và hội chứng Laugier-Hunziker. Nhiều dát sắc tố ờ sinh dục là biểu hiện của hội chứng Bannayan-Riley-Ruvalcaba.
Điều trị đốm nâu
Đồi mồi và đốm nâu đơn thuần lành tính thường không cần điều trị, chỉ gây mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, đồi mồi là chỉ điểm cho tình trạng tiếp xúc ánh sáng mặt trời mạn tính, do đó cần theo dõi và tầm soát carcinoma da ở những bệnh nhân này. Đốm nâu đơn thuần ở ngọn chi hay niêm mạc cần theo dõi cẩn thận, nếu lâm sàng không điển hình nên sinh thiết để đánh giá tình trạng tăng sắc tố không điển hình. Bệnh nhân với hiện diện nhiều đốm nâu đơn thuần nên tầm soát bệnh lý hệ thống kèm theo.
Đồi mồi cần phòng ngừa bằng chống nắng vật lý và hóa học, hạn chế tiếp xúc ánh sáng mặt trời.
Phương pháp điều trị hỗ trợ gồm tái tạo da bằng hóa chất (acid glycolic hay acid lactic), laser chọn lọc sắc tố, thuốc thoa làm sáng da như retinoid, hydroquinone. Trong đó, laser cho thấy là phương pháp điều trị hiệu quả. Đốm nâu chủ yếu ở bề mặt da do đó nhiều laser cho thấy hiệu quả trong điều trị đốm nâu, đặc biệt là Laser Q-switched (QS) nano giây thường được dùng cho điều trị đốm nâu. Laser QS ruby 694 nm, QS alexandrite 755 nm và laser QS Nd:YAG 532 nm cho hiệu quả cao trong điều trị rối loạn này. Điều trị với laser Nd:YAG (frequency doubled) ưu thế hơn chấm nitơ lỏng theo nghiên cứu của tác giả Todd và cộng sựvà lợi ích của laser QS trong điều trị đốm nâu được ghi nhận trong nhiều báo cáo và nghiên cứu. Thiết bị vi phân pico giây cũng hiệu quả trong điều trị những tăn sắc tố thượng bì lành tính ở tất cả loại da với thời gian ít hay không cần.
Đốm nâu hiếm khi tái phát sau khi lui hoàn toàn. Tuy nhiên, đồi mồi lui một phần có thể sậm màu hơn khi tiếp tục tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và phát triển của tổn thương mới trong vùng bỏng nắng cũng thường gặp.
Câu hỏi
Em năm nay 19 tuổi, xuất hiện các đốm màu nâu nhạt ở 2 bên má, màu này nắng nhiều thì đậm hơn. Đây là đốm nâu và tàn nhang thế nào?
Đốm nâu và tàn nhang đều thường xuất hiện ở vùng phơi bày ánh sáng. Sự khác biệt là tàn nhang thường mờ đi sau khoảng thời gian mùa đông nhưng đốm nâu thường tồn tại vĩnh viễn dù không có sự kích thích của tia cực tím.
Tàn nhang thường xuất hiện vùng giữa mặt. Biểu hiện là các dát màu nâu nhỏ hơn 3mm đường kính. Tàn nhang thường nhạt màu vào mùa đông và đậm màu vào mùa hè. Bảo vệ da khỏi tác hại của nắng là phương pháp điều trị hiệu quả.
Đồi mồi thường có xu hướng tồn tại trong thời gian dài, và không biến mất vào mùa đông mặc dù có nhạt đi đôi chút. Kích thước có thể từ vài mm tới vài cm đường kính. Giới hạn thường rõ và thường có màu nâu vàng hay nâu xám. Chúng có thể tróc vảy khô nhẹ trên bề mặt. Dày sừng tiết bã có thể xuất hiện trên vùng đồi mồi.
Theo mô tả của bạn thì có thể đây là tàn nhang.
Hầu hết các bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán chỉ dựa vào lâm sàng tuy nhiên trong một số trường hợp để phân biệt với ung thư da, cần sinh thiết da làm giải phẫu bệnh.
Nguyên nhân gây tàn nhang là gì?
Khi tiếp xúc với nắng, tế bào hắc tố tăng tạo ra hắc tố, hắc tố này tích tụ lại trong các tế bào lớp sừng tạo ra tàn nhang. Không có sự tăng số lượng các tế bào hắc tố.
Điều trị tàn nhang và đốm nâu thế nào?
Quan trọng nhất là tránh nắng và chống nắng. Thoa đều đặn các kem chống lão hoá cũng có thể giúp ích. Những sản phẩm này có thể chứa hydroquinone hoặc các chất chống oxi hoá như:
• Alpha-hydroxy acids
• Vitamin C
• Retinoids
• Cysteamine
• Resveratrol
• Vitamin E
• Chất ức chế Tyrosinase như: Arbutin; Azelaic acid; Kojic acid.
• Niacinamide (B3).
Có thể điều trị tàn nhang và đốm nâu hiệu quả và nhanh chóng bằng các phương pháp khác như lột da bằng hoá chất, laser sắc tố. có thể cần điều trị nhiều lần. Các thiết bị laser, ánh sáng bao gồm:
• Laser Q-switched Nd:YAG
• Q-switched alexandrite laser
• Q-switched ruby laser.
• IPL
• Laser CO2, Er:YAG
• Laser pico giây
Hiệu quả điều trị bằng laser có thể thay đổi nhưng đôi khi rất hiệu quả với nguy cơ tạo sẹo tối thiểu. Mỗi đặc điểm da và đặc điểm của tàn nhang và đốm nâu khác nhau, bác sĩ sẽ lựa chọn loại laser tối ưu nhất.
Với kĩ thuật tái tạo bề mặt nông, cần vài lần điều trị, đôi khi có thể gây tăng sắc tố sau viêm, nên quan trọng là vẫn bảo vệ da trước ánh nắng cẩn thận sau đó.
Câu Hỏi Thường Gặp (FAQs)
- Tàn nhang và đốm nâu khác nhau như thế nào?
- Tàn nhang thường biểu hiện ở vùng da phơi bày ánh sáng mặt trời và có thể mờ đi sau mùa đông, trong khi đốm nâu đơn thuần có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
- Điều gì là nguyên nhân gây tàn nhang?
- Tăng sắc tố trong tàn nhang là do tế bào hắc tố tăng sản xuất dưới tác động của ánh sáng mặt trời và yếu tố di truyền.
- Có cách nào để ngăn ngừa tàn nhang không?
- Cách tốt nhất là tránh nắng và sử dụng kem chống nắng đều đặn.
- Làm thế nào để điều trị đốm nâu?
- Các phương pháp điều trị bao gồm sử dụng kem làm sáng da, thuốc thoa, và các phương pháp laser chọn lọc sắc tố.
- Có nguy cơ tái phát sau khi điều trị tàn nhang không?
- Tàn nhang hiếm khi tái phát sau khi điều trị, nhưng đôi khi có thể sậm màu hơn khi tiếp tục tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.