Search

Cách phục hồi da bỏng nắng nhanh nhất

Da bỏng nắng là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời. Khi da bị bỏng nắng, da thường đỏ, sưng, nóng và đau rát. Bài viết này sẽ chia sẻ tới bạn những thông tin hữu ích để chăm sóc và phục hồi da bị bỏng nắng, giúp bạn lấy lại làn da tươi tắn.

Tổng quan về bỏng nắng

Bỏng nắng là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc quá lâu với tia cực tím (UV) từ mặt trời. Chỉ sau khoảng 11 phút tiếp xúc, da có thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bỏng nắng và vùng da bị ảnh hưởng sẽ ửng đỏ trong khoảng 2 – 6 giờ nếu là bỏng nhẹ. Tình trạng này sẽ tiếp tục xuất hiện trong 1 – 3 ngày sau đó, và quá trình phục hồi có thể mất từ vài ngày đến vài tuần tùy thuộc vào mức độ tổn thương.

Bỏng nắng là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc quá lâu với tia cực tím (UV) từ mặt trời

Các trường hợp bỏng nắng nhẹ có thể tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu bỏng nặng kèm theo hiện tượng phồng rộp thì bạn cần được hỗ trợ y tế kịp thời. Việc thường xuyên bị bỏng nắng có thể dẫn đến lão hóa da sớm, gây hại cho DNA của tế bào da, tạo điều kiện cho sự phát triển của các tế bào bất thường. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư da, bao gồm cả u hắc tố – loại ung thư da nguy hiểm nhất. Vì vậy, việc bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời là rất quan trọng.

Một số nhóm người có nguy cơ bị bỏng nắng cao hơn những người khác, bao gồm:

  • Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh do da của các bé mỏng và dễ bị kích ứng hơn.
  • Những người sinh sống ở vùng khí hậu nắng nóng.
  • Những người tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
  • Những người sở hữu làn da sáng màu.

Dấu hiệu và triệu chứng của da bỏng nắng

Sau khi tiếp xúc quá mức với tia UV từ mặt trời, các triệu chứng của tình trạng bỏng nắng thường biểu hiện trong vòng 24 giờ và biểu hiện rõ rệt nhất trong vòng 72 giờ (thường là từ 12 đến 24 giờ). Những dấu hiệu trên da, tùy mức độ từ nhẹ đến nặng, có thể bao gồm da ửng đỏ nhẹ, tróc vảy da sau vài ngày, cảm giác đau rát, sưng phù, da trở nên mẫn cảm và xuất hiện các mụn nước.

Nếu bệnh nhân bị bỏng nắng diện rộng, những biểu hiện nghiêm trọng tương tự như bỏng nhiệt có thể xảy ra, chẳng hạn như sốt cao, cảm giác rét run, cơ thể suy yếu và sốc. Đây có thể là hậu quả của việc cơ thể bị kích thích sản sinh các cytokine gây viêm như IL-1.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bỏng nắng

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bỏng nắng bao gồm:

  • Vết nám vĩnh viễn: Những đốm nâu sậm màu có thể xuất hiện trên vùng da bị bỏng, gây mất thẩm mỹ.
  • Nhiễm trùng: Da bị bỏng dễ bị vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm và có thể lan rộng.
  • Tăng nguy cơ ung thư da: Việc tiếp xúc quá nhiều với tia UV có thể làm tổn thương DNA tế bào da, tăng nguy cơ mắc các loại ung thư da.
  • Lão hóa da sớm: Bỏng nắng làm da mất độ đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn và đồi mồi sớm hơn so với tuổi.

Bị bỏng nắng cần phải làm gì?

Ngay khi xuất hiện các triệu chứng bỏng nắng, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau làm dịu, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục và ngăn ngừa các biến chứng phát sinh.

Rời khỏi ánh nắng mặt trời

Ngay khi cảm thấy bị bỏng nắng, bạn cần di chuyển vào bóng râm và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều này sẽ mang lại cảm giác dễ chịu và ngăn ngừa tình trạng bị bỏng nặng hơn.

Làm mát da bỏng nắng

Chườm khăn mát hoặc dội nước mát lên vùng da bỏng nắng. Cần lưu ý chỉ sử dụng nước mát, tuyệt đối không dùng đá lạnh vì có thể làm các mạch máu co lại và gây tổn thương nghiêm trọng hơn cho da. Đồng thời, bạn cần tránh ngâm mình trong nước biển hoặc hồ bơi vì nồng độ muối và clo cao có thể gây khó chịu cho làn da đang bị tổn thương.

Chườm khăn mát hoặc dội nước mát lên vùng da bị bỏng nắng

Sử dụng các phương pháp tự nhiên làm dịu da

Một số nguyên liệu từ thiên nhiên có khả năng làm dịu và giảm viêm cho da cháy nắng

  • Lô hội: Lấy phần thịt trong suốt của lá lô hội thoa lên vùng da bị tổn thương, giữ nguyên trong khoảng 10-15 phút rồi rửa sạch với nước.
  • Quả cà chua: Xay nhuyễn cà chua và trộn với sữa chua hoặc sữa tươi không đường, sau đó thoa lên vùng da bị bỏng nắng. Các chất chống oxy hóa từ cà chua kết hợp với dưỡng chất từ sữa sẽ giúp làm dịu da, giảm cảm giác bỏng rát và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
  • Túi trà lọc: Nhúng túi trà lọc vào nước lạnh rồi áp trực tiếp lên da trong 10-15 phút. Các hợp chất catechin và flavonoid trong trà có tác dụng làm giảm cảm giác đau rát cho da.
  • Lá bạc hà: Giã nát lá bạc hà tươi rồi đắp lên vùng da bị cháy nắng để cảm nhận sự sảng khoái tức thì nhờ tinh chất the mát của bạc hà.
  • Bột yến mạch: Hòa tan bột yến mạch với nước ấm rồi dùng để rửa mặt hoặc ngâm mình trong khoảng 20 phút, sau đó nhẹ nhàng lau khô bằng khăn mềm.

Để da được phục hồi hoàn toàn, bạn nên kiên trì áp dụng các biện pháp này mỗi ngày từ 1 – 2 lần.

Bôi kem dưỡng ẩm

Vùng da bị bỏng nắng thường khô ráp, sưng đỏ và đau nhức. Việc sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ giúp xoa dịu, cấp ẩm, ngăn ngừa tình trạng bong tróc và nhiễm trùng. Bạn có thể sử dụng kem, gel làm mát hoặc hoặc kem/dược phẩm bổ sung collagen.

Ăn uống lành mạnh và đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng

Uống đủ nước là điều cần thiết để bù lại lượng nước mất đi do tiếp xúc với ánh nắng. Chế độ ăn uống nên ưu tiên rau củ quả, trái cây, protein và chất béo có lợi, đồng thời hạn chế các món ăn cay nóng và đồ uống chứa cồn.

Thăm khám bác sĩ

Trong trường hợp bị cháy nắng nghiêm trọng, kèm theo các triệu chứng như sưng tấy, nổi bọng nước, dấu hiệu nhiễm trùng, sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn mửa, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bỏng nắng

Bỏng nắng được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng, nghĩa là bác sĩ sẽ dựa vào các biểu hiện của bạn để đưa ra kết luận. Trong trường hợp bỏng nắng nghiêm trọng hoặc có biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm bổ sung để đánh giá tình trạng:

  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra các chỉ số viêm và chức năng các cơ quan.
  • Sinh thiết da: Lấy một mẫu nhỏ da để kiểm tra dưới kính hiển vi, đặc biệt khi cần phân biệt bỏng nắng với các bệnh lý da khác.

Bỏng nắng được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng

Thông thường, bỏng nắng không yêu cầu các xét nghiệm phức tạp. Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng nặng như sốt cao, ớn lạnh, chóng mặt hoặc diện tích bỏng lớn, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Phương pháp điều trị da bỏng nắng hiệu quả

Có một số biện pháp điều trị bỏng nắng hiệu quả như sau:

  • Biện pháp sơ cứu: Đắp khăn lạnh lên vùng da bị tổn thương và thoa các loại thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID).
  • Đối với trường hợp bỏng nặng: Vết bỏng cần được bảo vệ bằng băng gạc vô trùng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu cần thiết để điều trị hoặc phòng ngừa nhiễm trùng nặng hơn.

Phương pháp phòng ngừa bỏng nắng hiệu quả

Để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, đặc biệt là nguy cơ bỏng nắng, bạn nên áp dụng các biện pháp sau:

  • Đối với trẻ nhỏ: Bạn nên giữ trẻ trong bóng râm, tránh hoàn toàn việc tiếp xúc trực tiếp với tia mặt trời. Kem chống nắng chỉ nên được sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
  • Đối với người lớn: Cố gắng hạn chế ra ngoài, đặc biệt là trong khoảng thời gian chỉ số UV cao trong ngày (thời điểm giữa trưa). Nếu cần ra ngoài, bạn hãy bảo vệ da bằng cách sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp, đồng thời kết hợp các biện pháp bảo vệ vật lý như đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay và đeo kính râm chống tia UV.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách phục hồi da bị bỏng nắng nhanh nhất. Để quá trình phục hồi đạt hiệu quả tối ưu, bạn có thể tham khảo các sản phẩm chăm sóc da chuyên dụng, được chiết xuất từ thiên nhiên và lành tính. Đừng quên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại da của mình.

Ban biên tập ghi chú theo chia sẻ của Bác sĩ:

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách để được nhận tư vấn kịp thời





    Explore
    Drag